Thầy Jim Kirkpatrick Tiết Lộ Tương Lai của Đánh Giá Hiệu Quả Đào Tạo
Cách đây vài tuần, tôi có xem một video rất truyền cảm hứng của thầy Jim Kirkpatrick – người kế thừa trực tiếp của giáo sư Don Kirkpatrick, người đã phát triển mô hình đánh giá hiệu quả đào tạo 4 cấp độ nổi tiếng toàn cầu. Thầy Jim không chỉ là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đào tạo và đánh giá, mà còn là người đã mang mô hình này đến gần hơn với thế giới doanh nghiệp hiện đại bằng một cách tiếp cận đầy thực tiễn và thấm đẫm tinh thần “cùng doanh nghiệp tạo ra kết quả thực sự”.
Và tôi phải nói thật lòng: video này như một lời đánh thức sâu sắc dành cho những ai đang làm L&D, HR và cả CEO tâm huyết với phát triển con người trong doanh nghiệp.
Hãy chuẩn bị cập nhật lại CV đi!
“Hãy chuẩn bị cập nhật lại CV đi, vì chỉ riêng hoạt động học tập thì không bao giờ đủ để tạo ra kết quả thực sự.” – thầy Jim nói.
Tôi nghe câu đó mà lặng người.
Vì quả thật, rất nhiều người trong ngành L&D (có thể cả tôi trước đây) vẫn còn nghĩ rằng: miễn là tổ chức được một chương trình chỉnh chu, học viên hài lòng, điểm kiểm tra cao – thì mình đã làm tròn vai.
Nhưng thực tế, doanh nghiệp không cần thêm lớp học, mà cần thêm kết quả.
L&D đang ở “một bên cây cầu”
Theo thầy Jim, phần lớn người làm đào tạo vẫn đang “trú ngụ” ở một bên cây cầu – phía của slide, mô hình năng lực, tài liệu học tập và bảng khảo sát phản hồi.
Còn bên kia cây cầu là thế giới vận hành khốc liệt của các phòng ban – nơi KPI, doanh số, hiệu suất và áp lực mục tiêu là ngôn ngữ hàng ngày.
“Bạn phải dành thời gian trong môi trường làm việc của họ, không phải ở văn phòng L&D của chúng ta.”
Đó là một sự thật mà ai làm L&D lâu năm đều nên nghiền ngẫm.
Họ không quan tâm đến bạn… cho đến khi bạn nói được ngôn ngữ của họ
“Họ chỉ thực sự quan tâm khi chúng ta nói được ngôn ngữ của họ, trở thành những công dân song ngữ – biết nói cả ngôn ngữ của học tập lẫn ngôn ngữ của kinh doanh.”
Câu nói đó của thầy Jim khiến tôi nhớ lại nhiều cuộc họp:
– Khi tôi háo hức trình bày mô hình đào tạo, họ lại hỏi: “Cái này giúp tăng doanh số bao nhiêu?”
– Khi tôi nói về hành vi cần thay đổi, họ hỏi: “Thay đổi rồi thì có giảm tỷ lệ rời việc không?”
– Khi tôi nói về kế hoạch đào tạo 3 tháng, họ hỏi: “Có đo lường được không? Bao giờ thấy hiệu quả?”
Thế giới mới: Học tập + Hiệu suất
Không còn là thế giới của “chuyển giao kiến thức”, L&D bây giờ phải bước vào thế giới của Học tập và Hiệu suất (Learning & Performance).
Nghĩa là sao? Nghĩa là:
– Học tập không chỉ để biết, mà để làm khác đi.
– Chương trình đào tạo không chỉ để truyền cảm hứng, mà để tạo ra chuyển hóa hành vi.
– Và hiệu quả đào tạo không thể đo bằng “nụ cười học viên”, mà phải đo bằng kết quả kinh doanh cụ thể.
Hành trình đúng – là bắt đầu từ cấp độ 4

Mô hình Kirkpatrick có 4 cấp độ:
- Phản ứng
- Học tập
- Hành vi
- Kết quả
Xem thêm: Giải thích mô hình đánh giá hiệu quả đào tạo Kirkpatrick
Và điểm then chốt mà thầy Jim nhấn mạnh là:
👉 Đừng bắt đầu từ nội dung học – hãy bắt đầu từ kết quả mà doanh nghiệp cần đạt được.
Từ kết quả → xác định hành vi cần thay đổi → rồi mới thiết kế chương trình học phù hợp → và cuối cùng đo phản ứng, động lực.
Tư duy này gọi là: bắt đầu từ cấp độ 4.
Và đó là lúc đào tạo trở thành một khoản đầu tư có lãi – chứ không còn là một chi phí cần cắt giảm mỗi khi ngân sách eo hẹp
Và đó cũng chính là tương lai của Đánh giá hiệu quả đào tạo.
Trải nghiệm của tôi với mô hình
Tôi vẫn nhớ như in, vào tháng 4 năm 2021 – sau một thời gian dài tự mò mẫm về đánh giá hiệu quả đào tạo nhưng vẫn chưa ứng dụng được nhiều – tôi đã quyết định chính thức học từ chính thầy Jim Kirkpatrick. Trong khóa học đó, tôi học cùng hơn 20 học viên khác đến từ khác quốc gia khác nhau.
Để bắt đầu, thầy hỏi các học viên một câu đi trúng vào tim đen:
Bao nhiêu trong số các bạn đang báo cáo về: Số khoá học? Số lượt học viên? Ngân sách/học viên? Tỷ lệ hài lòng? Tỷ lệ qua bài kiểm tra?…
Cả lớp im phăng phắc. Thầy hỏi tiếp: Bao nhiêu trong số các bạn muốn báo cáo hoạt động học tập tác động như thế nào đến KẾT QUẢ KINH DOANH?
Tất cả đều bình luận: Yes. Yes. Yes. Yes
Tôi cũng nằm trong số đó. Bình luận rất nhiều chữ Yes như thế hiện một khát khao làm được điều này.
Với sự nỗ lực, tôi làm bài đầu ra được thầy chữa cũng như cố vấn. Vinh dự được thầy chấm điểm B+ (tương đương hơn 8 điểm) – một đánh giá quý giá cho quá trình học tập và thực hành nghiêm túc. Sau đó thầy đã gửi sách từ Mỹ về tặng tôi kèm theo chữ ký. Dự án thầy chấm tôi cũng đã áp dụng thực tế và đúc rút được nhiều bài học cho các dự án sau này.
Từ sự bỡ ngỡ khi cách tư duy và cách làm cần phải thay đổi gần nhu toàn bộ. Cho đến khi làm các dự án mình mới vỡ ra nhiều thứ, mỗi bài học thành công hay thất bại đều giúp tôi hiểu hơn về phương pháp và làm hiệu quả hơn trong các dự án khác.
Tôi cũng phát hiện ra CÁCH TỐT NHẤT để giúp tăng tỷ lệ thành công của các dự án cấp độ 4 – tức các bộ phận gia tăng hiệu suất kinh doanh, tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí trong sản suất, giảm số lỗi trong lập trình…. đó là chuyển giao phương pháp cho họ thông qua đào tạo, với vai trò L&D bạn sẽ là Đối tác kinh doanh (L&D Business Partner) chứ không phải người Dẫn Dắt. Bạn là người ĐỒNG HÀNH
Vậy khi đồng hành với lãnh đạo các doanh nghiệp, tôi đặt tên khoá học là Lãnh đạo chuyển đổi với ý nghĩa rằng hộ cần tạo ra sự chuyển đổi cho bản thân và đội ngũ nhằm tạo ra kết quả vượt trội. Gần đây tôi thấy tên Nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng sẽ phù hơn cho lớp học lãnh đạo đến từ nhiều bộ phận khác nhau. Còn với lớp học dành riêng cho quản lý và nhân viên sales tôi đặt là Đột phá hiệu suất bán hàng
Để tạo ra KẾT QUẢ không chỉ trông chờ vào khoá học, và cũng không chỉ trông chờ vào L&D mà chính Lãnh đạo bộ phận đó phải trở thành người tạo ảnh hưởng để dẫn dắt dự án. Đào tạo chỉ là một trong các hạng mục cần thực hiện.
Vì sao tôi có các phiên bản tên khác nhau nhưng cách tiếp cận thì giống nhau. Giống như thầy Stephen Covey có chương trình 7 thói quen hiệu quả cho lãnh đạo, sau này có 7 thói quen cho gia đình hạnh phúc, 7 thói quen cho học sinh. Phương pháp luận gốc thì giống nhau nhưng tên gọi và các ví dụ, câu chuyện sẽ khác nhau cho các nhóm đối tượng.
Với phương pháp luận này, trong lớp học tôi thường hướng dẫn các lãnh đạo gia tăng khả năng tạo ảnh hưởng của mình để tạo KẾT QUẢ MỚI bằng áp dụng theo 4 bước:
Bốn bước giúp lãnh đạo các bộ phận dẫn dắt dự án, L&D là người đồng hành:
- Xác định vấn đề cần giải quyết bằng chuyển hoá đội ngũ, sau đó thiết lập mục tiêu ở cấp độ 4
- Phân tích hành vi chủ chốt đội ngũ cần thay đổi (cấp độ 3)
- Thiết kế dự án chuyển hoá đội ngũ gắn với công việc thực tế
- Triển khai, đo lường và cải tiến theo kết quả thực tế trả ra
Theo Crucial Learning – Top 20 công ty đào tạo lãnh đạo tốt nhất thế giới thì: Tạo ảnh hưởng là khả năng một nhà lãnh đạo có thể thay đổi HÀNH VI của đội ngũ để đạt được kết quả đột phá. Điều này cũng giống phương pháp thầy Jim Kirkptraick nghiên cứu, ứng dụng và lan toả cho người làm L&D
Ví dụ về bước 1 – Thiết lập kết quả ở cấp độ 4:
Trong lĩnh vực Headhunt (săn đầu người) thì bước 1 mục tiêu có thể là:
Tăng tỷ lệ khách hàng tiềm năng thành khách hàng sử dụng dụng dịch vụ từ x% lên y% trước thời gian z.
Trong lĩnh vực Bán lẻ thì bước 1 mục tiêu có thể là:
Tăng tỷ lệ khách vào cửa hàng thành khách mua hàng từ x% lên y% trước thời gian z hoặc
Tăng giá trị trung bình đơn hành từ x% lên y% trước thời gian z hoặc
Giảm tỷ lệ đổi trả hàng từ x% xuống y% trước thời gian z
Trong lĩnh vực Bảo hiểm Nhân Thọ thì bước 1 mục tiêu có thể là:
Tăng số hợp đồng trung bình trên 1 tư vấn viên từ x hợp đồng lên y hợp đồng trước thời gian z
Tăng độ lớn hợp đồng từ x triệu lên y triệu trước thời gian z hoặc
Và..rất nhiều ví dụ trong các lĩnh vực khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải rèn luyện “Sự nhạy bén trong kinh doanh” – điều mà ít L&D sở hữu.
Và kể từ khi áp dụng mô hình này vào các dự án thật tại doanh nghiệp – tôi nhận ra: đây không chỉ là một mô hình đánh giá – mà là một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt, thay đổi cả tư duy thiết kế đào tạo, triển khai chương trình và chứng minh giá trị thật sự của L&D với tổ chức.
Tôi đã trực tiếp ứng dụng mô hình Kirkpatrick trong các chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo tại các đơn vị như: Vinpearl, Navigos Search, Manulife, Dai-Ichi Life, Vieclam24h, Metric, AdFlex… Và kết quả mang lại không chỉ là những phản hồi tích cực, mà còn là sự thay đổi hành vi rõ nét, tạo ra các chuyển biến tích cực trong hiệu suất làm việc và văn hoá tổ chức.

Chia sẻ của chị Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành Navigos Search
Chia sẻ của anh Hải – Giám đốc khu vực Dai-Ichi Life và chị Hạnh quản lý kinh doanh của Yoki (Thuộc Yody Việt Nam)
Xem thêm: Giải pháp đột phá hiệu suất bán hàng
Lời kết: Khi người làm đào tạo bước lên vai trò đối tác chiến lược
Tôi viết bài này không chỉ để kể lại một video – mà để lan tỏa một sự thật:
Nếu chúng ta – những người làm đào tạo – không chứng minh được hiệu quả cấp độ 4, thì dù có tài giỏi đến đâu, chúng ta vẫn chỉ là “người tổ chức lớp học”.
Nhưng nếu chúng ta chịu bước qua cây cầu – học cách nói ngôn ngữ của kinh doanh, kết nối với mục tiêu vận hành, và đồng hành với người thực thi kết quả, thì khi đó:
- L&D mới thật sự là đối tác chiến lược
- Đào tạo mới tạo ra chuyển hóa dài hạn
- Và chính chúng ta – những người trong nghề – mới thực sự tự hào về vai trò của mình

—
P/s 1: Sự kiện sắp tới
Mời Anh, Chị quan tâm tới chủ đề này tham gia sự kiện sắp tới tôi chia sẻ về Ứng dụng AI để đánh giá hiệu quả đào tạo, nhất là cấp độ 4 – kết quả kinh doanh.
Đăng ký FREE ngay trước khi về nguyên giá 1.386.000 VND
P/s 2: Video thầy Jim Kirkpatrick chia sẻ
Anh, Chị xem video thầy chia sẻ tại đây