Mô Hình ADDIE: Bí Quyết Thiết Kế Chương Trình Đào Tạo Hiệu Quả

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một trong những mô hình quan trọng nhất trong lĩnh vực học tập và phát triển trong doanh nghiệp, đó là mô hình ADDIE. Đây là một quy trình hệ thống hóa giúp các chuyên gia đào tạo xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và học viên.

Lịch sử và sự ra đời của mô hình ADDIE

Mô hình ADDIE ra đời vào những năm 1970 và được phát triển bởi quân đội Mỹ, với mục tiêu tạo ra các chương trình đào tạo thực tế nhất, giúp người học có thể ứng dụng ngay vào công việc và cuộc sống. Ban đầu, quân đội Mỹ cần một phương pháp đào tạo nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao cho binh lính, do đó ADDIE được tạo ra nhằm đáp ứng những yêu cầu đó.

Kể từ đó, ADDIE đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho việc phát triển các chương trình đào tạo và được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Hiệp hội Phát triển Tài năng (ATD), một trong những tổ chức uy tín nhất thế giới về học tập và phát triển trong doanh nghiệp, cũng đã tích hợp mô hình này vào chương trình đào tạo dành cho các chuyên gia L&D (Learning & Development) trên toàn cầu.

Cách đây vài năm, mình và team sau khi tự nghiên cứu thì đã quyết định đăng ký học cùng với các chuyên gia của ATD trong khoá học Instructional Design nổi tiếng của họ. Ngọc đã ứng dụng và sau này hướng dẫn các chuyên gia, quản lý đến từ nhiều tập đoàn trong các khoá public và inhouse

Mô hình ADDIE Train The Trainer Đàm Thế Ngọc
Đàm Thế Ngọc đào tạo mô hình ADDIE chuyên sâu cho Quản lý và chuyên gia L&D của MB Bank

ADDIE là gì?

Mô hình ADDIE bao gồm 5 bước cơ bản, giúp tạo ra một quy trình thiết kế và triển khai chương trình đào tạo hoàn chỉnh và tối ưu:

  1. Analysis (Phân tích nhu cầu đào tạo)
  2. Design (Thiết kế cấu trúc chương trình)
  3. Development (Phát triển học liệu)
  4. Implementation (Triển khai chương trình)
  5. Evaluation (Đánh giá hiệu quả đào tạo)

Mỗi bước trong mô hình ADDIE đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng chương trình đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi của doanh nghiệp cũng như người học.

Phân tích nhu cầu đào tạo (Analysis)

Là gì?

Phân tích nhu cầu đào tạo là bước đầu tiên trong mô hình ADDIE, nhằm thu thập và xử lý thông tin để xác định rõ nhu cầu đào tạo thực sự của tổ chức và người học. Đây là giai đoạn nền tảng giúp đảm bảo chương trình đào tạo được xây dựng đúng mục tiêu và đúng đối tượng.

Câu hỏi cần trả lời:

  • Mục tiêu tổ chức đang muốn đạt được là gì?
  • Vấn đề nào cần đào tạo để giải quyết?
  • Ai là đối tượng học viên? Họ đang ở đâu và cần phát triển điều gì?
  • Khoảng cách giữa năng lực hiện tại và kỳ vọng là gì?
  • Điều kiện triển khai đào tạo hiện có ra sao (ngân sách, thời gian, nguồn lực, môi trường…)?

Công cụ sử dụng:

  • Khảo sát (online hoặc giấy)
  • Phỏng vấn lãnh đạo, quản lý, học viên
  • Quan sát thực tế tại nơi làm việc
  • Phân tích dữ liệu hiệu suất (KPI, báo cáo công việc, OKR)
  • Rà soát các tài liệu nội bộ: mô tả công việc, tiêu chuẩn năng lực, SOP

Trong chương trình đào tạo chuyên sâu có tên Training Design Master tôi hướng dẫn chi tiết cách phân tích nhu cầu đào tạo theo các chỉ số kinh doanh, vận hành. Phân tích nhiệm vụ quen thuộc để tối ưu, phân tích các nhiệm vụ bổ sung để tạo ra kết quả mới. Bên cạnh đó là phân tích học viên để thấu hiểu họ trước khi triển khai đào tạo

Thiết kế cấu trúc (Design)

Là gì?

Thiết kế là bước thứ hai trong mô hình ADDIE, nơi chuyên gia đào tạo xây dựng một kế hoạch học tập chi tiết dựa trên kết quả phân tích trước đó. Kế hoạch này bao gồm cấu trúc chương trình, mục tiêu học tập, nội dung, phương pháp và cách đánh giá phù hợp với người học và bối cảnh đào tạo.

Câu hỏi cần trả lời:

  • Mục tiêu học tập cụ thể của từng phần nội dung là gì?
  • Những kiến thức và kỹ năng nàocần được truyền đạt?
  • Thứ tự nội dung và hoạt động nên sắp xếp như thế nào để người học dễ tiếp thu nhất?
  • Phương pháp giảng dạy nào phù hợp với đối tượng học viên (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp…)?
  • Hình thức đánh giá nào sẽ được sử dụng (quiz, bài tập, dự án, thuyết trình…)?

Công cụ sử dụng:

  • Khung phân loại mục tiêu học tập Bloom’s Taxonomy
  • Storyboard (phác thảo trải nghiệm học tập)
  • Lesson plan template (mẫu kế hoạch bài giảng)
  • Bộ công cụ thiết kế phương pháp học tập: bài giảng, thảo luận, trò chơi, tình huống mô phỏng
  • Bảng blueprint cho bài kiểm tra hoặc bài đánh giá nhóm

Phát triển học liệu (Development)

Là gì?

Phát triển học liệu là bước thứ ba trong mô hình ADDIE, nơi các chuyên gia đào tạo tiến hành tạo ra toàn bộ tài liệu và công cụ học tập dựa trên bản thiết kế đã được thống nhất. Đây là giai đoạn chuyển ý tưởng thành sản phẩm đào tạo cụ thể.

Câu hỏi cần trả lời:

  • Những nội dung nào cần phát triển thành học liệu?
  • Hình thức học liệu nào phù hợp nhất với nội dung và đối tượng học? (bài giảng, video, eLearning…)
  • Làm thế nào để học viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành?
  • Học liệu dành cho giảng viên và học viên có rõ ràng, dễ sử dụng không?
  • Đã có công cụ đánh giá (quiz, bài tập, checklist…) đi kèm học liệu chưa?

Công cụ sử dụng:

  • PowerPoint, Canva, Gamma: thiết kế slide bài giảng
  • Loom, OBS, Veed.io: quay video hướng dẫn, mô phỏng
  • Kahoot, Quizizz, Google Forms: xây dựng bài kiểm tra
  • Mẫu handout, sổ tay học viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy
  • Bảng checklist kiểm thử nội dung (review peer, kiểm lỗi)
  • Công cụ tạo eLearning: Articulate 360, iSpring, Genially

Triển khai chương trình đào tạo (Implementation)

Bước tiếp theo trong mô hình ADDIETriển khai chương trình. Đây là lúc mà chương trình đào tạo chính thức được đưa vào áp dụng thực tế. Trong giai đoạn này, chuyên gia đào tạo sẽ:

  • Tổ chức các buổi học, workshop hoặc lớp đào tạo.
  • Hướng dẫn và hỗ trợ học viên trong suốt quá trình học tập.
  • Thu thập thông tin phản hồi từ học viên để điều chỉnh kịp thời.

Việc triển khai phải được thực hiện một cách nghiêm túc và cẩn thận, đảm bảo học viên hiểu rõ nội dung và có thể áp dụng kiến thức ngay sau khóa học.

Train The Trainer Đàm Thế Ngọc

Ví dụ đây là hình ảnh bước triển khai mà Thầy Đàm Thế Ngọc đào tạo khoá Train The Trainer cho quản lý các cấp của VinFast – VinGroup

Đánh giá hiệu quả đào tạo (Evaluation)

Là gì?

Đánh giá là bước cuối cùng trong mô hình ADDIE, nhằm kiểm tra hiệu quả của chương trình đào tạo sau khi triển khai. Đây là giai đoạn thu thập dữ liệu để xem chương trình có đạt được mục tiêu đề ra hay không, học viên có tiến bộ không, và liệu đào tạo có tạo ra giá trị thực sự cho tổ chức.

Câu hỏi cần trả lời:

  • Học viên có phản hồi tích cực về nội dung, phương pháp và trải nghiệm không?
  • Mức độ hiểu biết, kỹ năng và thái độ của học viên thay đổi như thế nào sau khóa học?
  • Hành vi của học viên có thay đổi khi áp dụng vào công việc không?
  • Chương trình có tạo ra tác động rõ ràng đến hiệu suất cá nhân hoặc tổ chức không?
  • Có những điểm gì cần điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ trong lần triển khai tiếp theo?

Công cụ sử dụng:

  • Bài kiểm tra trước và sau đào tạo (Pre/Post-test)
  • Phiếu phản hồi cuối khóa từ học viên và giảng viên
  • Phỏng vấn, khảo sát sau đào tạo (sau 30–60–90 ngày)
  • Checklist quan sát hành vi tại nơi làm việc
  • Phân tích dữ liệu hiệu suất (KPIs, chỉ số kinh doanh, năng suất)
  • Mô hình đánh giá Kirkpatrick 4 cấp độ (Reaction – Learning – Behavior – Results)

Mô hình Kirkpatrick đánh giá hiệu quả đào tạo Đàm Thế Ngọc

Trong ảnh Ngọc đào tạo cho các quản lý và chuyên gia Learning & Development của TPBank có hình ảnh mô hình Kirkpatrick cập nhật nhất. Ngọc đã được thầy Jim Kirkpatrick tác giả hướng dẫn và cố vấn ứng dụng trong thực tế. Đặc biệt là đánh giá cấp độ 4 – tác động đến các kết quả kinh doanh

Bạn có thể xem thêm chi tiết về Mô hình Kirkpatrick cập nhật nhất

Đánh giá là một phần quan trọng trong việc cải thiện chương trình đào tạo. Dựa trên kết quả đánh giá, chuyên gia có thể điều chỉnh, bổ sung hoặc cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học viên và tổ chức.

Bạn có thể xem thêm về Mô hình ADDIE Ngọc chia sẻ qua video

Xem thêm: 7 bí quyết quan trọng để phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ

Kết luận

Trong thế giới ngày càng cạnh tranh, việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và cá nhân. Mô hình ADDIE cung cấp một công cụ hữu ích và hiệu quả giúp các chuyên gia L&D thiết kế, phát triển và đánh giá các chương trình đào tạo một cách tối ưu.

Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp xây dựng hệ thống chương trình và giảng dạy có tính ứng dụng cao, thì mô hình ADDIE chắc chắn là lựa chọn mà bạn không nên bỏ qua.

Tài liệu mô hình ADDIE bản PDF tại ĐÂY

——

Đàm Thế Ngọc

Founder & CEO LeaderUp

Blue Ocean Strategy – INSEAD Business School

ICF Coach | DISC Certified | Kirkpatrick 4 Level Certified 

Youtube | Fanpage