Nghịch lý của người dẫn đầu
Càng thành công, càng dễ mắc kẹt.
Nghe có vẻ nghịch lý – nhưng đó là sự thật mà rất nhiều nhà lãnh đạo đang đối mặt.
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, mọi thứ đều mới mẻ. Chúng ta học liên tục, tìm tòi không ngừng, sẵn sàng thử – sai – sửa. Nhưng khi đã có trong tay một doanh nghiệp vài chục tỷ, đội ngũ trăm người, vị thế xã hội ổn định… tốc độ học của nhà sáng lập bắt đầu giảm dần. Và đó cũng là lúc tổ chức bắt đầu chững lại, mất tính đột phá, lạc hậu với thị trường – mà chính người đứng đầu không nhận ra.
Vấn đề không nằm ở việc chúng ta thiếu kiến thức – mà là thiếu tinh thần học tập suốt đời.
Trong một thế giới mà mọi mô hình có thể lỗi thời chỉ sau vài tháng,
Lifelong Learning – học tập suốt đời – chính là vũ khí bí mật để nhà lãnh đạo tạo ra kết quả đột phá.
Lifelong Learning – Vũ khí bí mật của nhà lãnh đạo thời đại mới
Khi nói về học tập suốt đời, nhiều người vẫn xem đó là lời khuyên mang tính truyền cảm hứng. Nhưng thực tế, các tổ chức nghiên cứu uy tín toàn cầu đã chỉ rõ:
Học tập liên tục chính là chỉ số dự báo khả năng tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp – và là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo cấp tiến.
Dưới đây là 4 nghiên cứu tiêu biểu:
McKinsey & Company (Báo cáo “Lifelong Learning Imperative”, 2021)
McKinsey khảo sát hơn 18.000 lãnh đạo cấp cao tại 15 quốc gia, trong đó có CEO, CHRO, Giám đốc chiến lược, v.v.
Kết quả cho thấy:
“Những CEO có thói quen học tập chủ động – liên tục cập nhật tri thức mới, phản tư định kỳ, tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao – có khả năng lãnh đạo chuyển đổi số thành công cao gấp 2 lần, và tạo tốc độ đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh gấp 3 lần so với nhóm còn lại.”
McKinsey gọi nhóm này là “Learning Leaders” – những người không bao giờ ngừng phát triển chính mình.
Harvard Business Review (Bài viết: “The Best Leaders Are Constant Learners”, 2019)
Harvard Business Review (HBR) dựa trên dữ liệu tổng hợp từ các tổ chức đào tạo lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Phân tích cho thấy:
“Lãnh đạo có thói quen học tập hàng ngày – dù chỉ 15-30 phút – có chỉ số hiệu quả lãnh đạo (Leadership Effectiveness Index) cao hơn 40%, và tỷ lệ ra quyết định chính xác trong điều kiện bất định cao hơn 23%.”
HBR cũng nhấn mạnh vai trò của thói quen phản tư (reflection) và việc viết nhật ký tư duy hàng tuần như một công cụ học tập vô cùng hiệu quả.
World Economic Forum – Future of Jobs Report (2023)
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố báo cáo dự báo kỹ năng đến năm 2027.
Phát hiện nổi bật:
“85% kỹ năng quan trọng của lãnh đạo và nhân sự trong tương lai là những kỹ năng chưa từng được dạy trong trường học – và đòi hỏi phải tự học thêm, học lại (unlearn), và học liên tục (relearn).”
Trong đó, “Active Learning & Learning Strategies” được xếp hạng Top 3 kỹ năng quan trọng nhất của nhà lãnh đạo trong thập kỷ tới.
MIT Sloan Management Review & Deloitte (Nghiên cứu “Becoming a Learning Organization”, 2020)
Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 350 doanh nghiệp toàn cầu, có doanh thu từ 50 triệu USD đến hơn 1 tỷ USD.
Kết luận:
“Những doanh nghiệp được xếp hạng là ‘Tổ chức học tập’ có doanh thu tăng trưởng gấp đôi, tỷ lệ giữ chân nhân sự chủ chốt tốt hơn 30%, và có khả năng triển khai đổi mới mô hình kinh doanh nhanh hơn gấp 3,1 lần so với mặt bằng chung.”
Yếu tố trung tâm dẫn dắt mô hình này là CEO phải là người học đầu tiên và học giỏi nhất trong tổ chức.
Lifelong Learning không còn là điều “nên có” – mà là “phải có” nếu một CEO muốn dẫn dắt tổ chức đi xa và đi nhanh trong thời đại đầy bất định.
Lifelong Learning là gì? Tại sao nó là kỹ năng sống còn của CEO?
Nhiều người hiểu Lifelong Learning (học tập suốt đời) đơn thuần là “học thêm một kỹ năng mới”, hay “đọc thêm vài cuốn sách mỗi năm”. Nhưng với các nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược, Lifelong Learning không phải là hành động rời rạc – mà là một cách sống, một hệ điều hành tư duy.
Vậy Lifelong Learning thực chất là gì?
Lifelong Learning là năng lực học tập liên tục, tự định hướng và tích hợp việc học vào trong chính công việc và cuộc sống hàng ngày.
Với CEO, Lifelong Learning bao gồm:
-
Học từ chính trải nghiệm của bản thân thông qua phản tư (reflection)
-
Học từ đội ngũ, khách hàng và đối tác
-
Học từ sách, công nghệ, khóa học, chuyên gia
-
Học để gỡ bỏ những niềm tin giới hạn cũ, mở ra những góc nhìn mới
-
Học để đổi mới mô hình kinh doanh, cách vận hành, cách truyền cảm hứng
Tại sao Lifelong Learning là kỹ năng sống còn?
-
Thị trường thay đổi quá nhanh
Chu kỳ sống của sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh ngày càng ngắn. Nếu CEO không học, chính họ sẽ là nút thắt phát triển của doanh nghiệp. -
Doanh nghiệp không thể lớn hơn tầm tư duy của người đứng đầu
Khi tư duy CEO dừng lại, doanh nghiệp cũng dừng lại. Lifelong Learning giúp mở rộng “độ cao tư duy” để tổ chức có thể bay xa hơn. -
Lãnh đạo bằng học tập là cách xây văn hóa đổi mới bền vững
Một CEO luôn học sẽ truyền cảm hứng học tập cho cả đội ngũ. Ngược lại, nếu người đứng đầu không học, việc xây dựng một tổ chức học tập gần như bất khả. -
Học để ra quyết định nhanh hơn – sâu hơn – chính xác hơn
Trong môi trường VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), CEO không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm cũ. Học giúp họ đưa ra quyết định chiến lược mà vẫn linh hoạt thích nghi. -
Học để giữ bản thân luôn tươi mới – không bị lỗi thời
Ở tầm lãnh đạo, học tập không chỉ để giỏi – mà để sống đúng, sống sâu và sống có tầm ảnh hưởng.
Rất nhiều nhà lãnh đạo từng là người học rất giỏi – nhưng đã ngừng học khi họ bắt đầu “thành công”. Và chính từ thời điểm ấy, doanh nghiệp bắt đầu chững lại. Ngược lại, những người lãnh đạo liên tục học hỏi, phát triển, mở rộng góc nhìn… chính là những người có thể đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới – bền vững và khác biệt.
Lifelong Learning không đơn thuần là một kỹ năng – mà là nền tảng để mọi kỹ năng khác tiếp tục phát triển.
Hoàng Nam Tiến: Mỗi giai đoạn trưởng thành là một lần đi học
“Tôi nói thật, tôi cũng tự học rất nhiều… nhưng mỗi giai đoạn của bản thân mình, tôi luôn luôn phải đi học.”
Đó là lời chia sẻ thẳng thắn từ ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT – một nhà lãnh đạo nổi tiếng với tư duy cấp tiến, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ quản trị mới tại Việt Nam.
Ở tuổi 31, khi đang giữ vị trí điều hành cấp cao tại FPT, ông Tiến bất ngờ đề xuất với Chủ tịch Trương Gia Bình rằng mình muốn… nghỉ việc. Không phải vì thu nhập, không phải vì bất mãn – mà vì một cảm giác rất quen thuộc với nhiều người ở độ tuổi 28–35:
Khủng hoảng tuổi trưởng thành.
Ông nói:
“Khi ấy, tôi đã bắt đầu có một chút kinh nghiệm, có chút tiền bạc, có chút quan hệ… và tôi rất muốn làm một điều gì đó cho chính bản thân mình.”
Nhưng thay vì để ông nghỉ, Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói một câu khiến ông Tiến phải suy nghĩ:
“Ở cái tuổi mày, nên đi học phát đi!”
Năm 32 tuổi, ông quyết định ghi danh vào INSEAD Business School – một trong những trường đào tạo Kinh doanh & Quản trị hàng đầu thế giới.
Tại sao lại là INSEAD?
Vì lúc đó ông đang đảm nhận mục tiêu kinh doanh cực kỳ tham vọng:
Từ doanh thu 43 triệu USD năm 2003, phải tăng lên 500 triệu USD vào năm 2008 – tức là tăng trưởng gấp hơn 12 lần trong 5 năm, ở một ngành vô cùng cạnh tranh.
Và để làm được điều “bất khả thi” ấy, ông chọn học – để vượt trần năng lực của chính mình.

Ông chia sẻ:
“Học ở trường tốt thì rất tốn tiền, nhưng từng đồng đều vô cùng xứng đáng. Bạn học của tôi là những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực đó. Giáo sư dạy tôi là người đang cố vấn cho các doanh nghiệp hàng đầu toàn cầu.”
Sau INSEAD, đến năm 2010 – khi chuẩn bị chuyển sang lĩnh vực phần mềm – ông tiếp tục sang học tại Wharton School (Đại học Pennsylvania, Mỹ), nơi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo cấp cao thế giới.
Với ông Tiến, học không phải là chuyện một lần, mà là một chu kỳ phát triển tự nhiên theo từng giai đoạn trưởng thành.
@thac_si_dh_fpt Quá trình học tập của ông Hoàng Nam Tiến #hoangnamtien #hoangnamtienfpt #caohocfpt #saudaihocfpt #daihocfpt #thacsifpt
“Tự học, đọc sách là rất quan trọng. Nhưng đến một thời điểm, bạn cần được dẫn dắt bởi môi trường, tư duy và hệ thống của những trường học tốt nhất – phù hợp với từng thời kỳ phát triển của mình.”
Câu chuyện của Hoàng Nam Tiến là minh chứng sống động rằng:
Học tập suốt đời không phải vì ta thiếu năng lực – mà vì ta không chấp nhận đứng yên.
Khi tôi có dịp sang INSEAD học tập, tôi cũng thấy các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn hàng đầu như Google, Hitachi, Mercedes Benz… vẫn liên tục học tập và phát triển năng lực để biến đổi bản thân và tổ chức
Chụp ảnh với bức tường thương hiệu của trường
Chị Regina – Một lãnh đạo của Google – Bạn cùng lớp tôi trong chương trình Chiến lược đại dương xanh – Blue Ocean Strategy
Học viên là Lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ các nước khác nhau trong khoá học. Bạn nhìn xem có nhận ra tôi không nhé!
Elon Musk: Học để làm điều không tưởng
Nếu có ai đó chứng minh cho thế giới thấy rằng việc học tập suốt đời có thể dẫn đến những kết quả phi thường, thì đó chính là Elon Musk.
Ông không phải kỹ sư hàng không. Không có bằng tiến sĩ vật lý. Thậm chí, ông từng nói:
“Tôi không biết gì về tên lửa khi bắt đầu SpaceX.”
Nhưng thay vì xem đó là giới hạn, ông coi đó là lời mời để học. Elon Musk bắt đầu đọc sách vật lý, tài liệu chuyên ngành hàng không vũ trụ, rồi tự mình tiếp cận và trao đổi với các chuyên gia đầu ngành.
Theo lời kể của những kỹ sư kỳ cựu tại SpaceX, Musk có thể:
-
Tranh luận sâu về động cơ đẩy, khí động học, các mô hình lực – như một chuyên gia thật sự
-
Học cực nhanh từ các cuộc đối thoại
-
Biến kiến thức thành quyết định chiến lược một cách chính xác đáng kinh ngạc
Không có trường đại học nào cấp cho ông tấm bằng “Kỹ sư vũ trụ”. Nhưng chỉ sau vài năm, Elon Musk và SpaceX đã làm được điều mà hàng chục năm trước chỉ có NASA làm được:
Đưa tên lửa vào quỹ đạo và quay về an toàn – với chi phí rẻ hơn gấp 10 lần.
Vậy Musk học bằng cách nào?
“Tôi đọc sách. Rất nhiều sách. Và tôi hỏi rất nhiều người giỏi hơn mình.”
– Elon Musk
Ông học như một lẽ sống. Không phải để thi cử, cũng không phải để chứng minh điều gì, mà để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất thế giới.
Elon Musk là minh chứng sống cho một sự thật:
“Lãnh đạo giỏi không cần biết hết – nhưng phải biết cách học đủ để dẫn đường.”
Trong thời đại mà mọi thứ thay đổi từng ngày, những nhà lãnh đạo dám học, dám đặt lại câu hỏi, và dám thoát khỏi vùng an toàn tư duy… chính là những người tạo ra bước ngoặt.
5 cách để CEO bận rộn vẫn duy trì học tập suốt đời
Một trong những câu nói phổ biến mà tôi thường nghe từ các anh chị CEO là:
“Tôi rất muốn học, nhưng không có thời gian.”
Thực tế, học tập suốt đời không đồng nghĩa với việc quay lại ghế nhà trường hay bỏ việc để đi du học. Quan trọng hơn cả là tư duy học chủ động và cách tích hợp việc học vào trong chính nhịp sống lãnh đạo mỗi ngày.
Dưới đây là 5 cách đơn giản nhưng hiệu quả để CEO bận rộn vẫn có thể học liên tục mà không bị quá tải:
1. Nghe podcast khi di chuyển
Thời gian lái xe, chờ máy bay, hoặc tập thể dục buổi sáng là khoảng thời gian lý tưởng để “nạp tri thức” thông qua podcast hoặc sách nói.
Một số kênh gợi ý: HBR IdeaCast, McKinsey Talks, Masters of Scale, hoặc các podcast Việt Nam về lãnh đạo và kinh doanh.
2. Đọc 15 phút mỗi ngày – đều đặn hơn là nhiều
Không cần phải đọc hàng giờ. Quan trọng là duy trì thói quen.
Hãy chọn sách chiến lược, sinh học lãnh đạo, hoặc những báo cáo nghiên cứu – và đặt mục tiêu nhỏ: 1 trang chất lượng còn hơn 10 trang lướt nhanh.
3. Viết nhật ký lãnh đạo mỗi tuần
Dành 15–30 phút vào cuối tuần để viết lại:
-
Điều gì mình học được trong tuần này?
-
Mình đã sai gì và sửa gì?
-
Mình cần phát triển gì tiếp theo?
Thói quen phản tư này giúp lãnh đạo không chỉ học từ bên ngoài, mà học sâu từ chính trải nghiệm nội tại.
4. Tổ chức “học ngược” từ đội ngũ
Một người lãnh đạo thông minh không chỉ là người dạy – mà là người học tốt nhất từ chính đội ngũ của mình.
CEO có thể tổ chức các buổi chia sẻ nội bộ, nơi nhân viên trẻ cập nhật xu hướng công nghệ, hành vi người dùng, công cụ mới.
Mô hình này gọi là “reverse mentoring” – lãnh đạo học từ thế hệ mới.
5. Ứng dụng công nghệ để học nhanh hơn, sâu hơn
Dùng các công cụ AI như ChatGPT, Perplexity AI để tra cứu, tổng hợp, thảo luận nhanh các vấn đề lãnh đạo.
Dùng Notion, Obsidian để hệ thống hóa tri thức cá nhân.
Việc học không chỉ là tiêu thụ thông tin – mà là biến nó thành hệ thống tư duy vận hành của riêng mình.
Quan trọng nhất không phải là học bao nhiêu – mà là duy trì được “trạng thái học” mỗi ngày.
Học không để biết, mà để sống và dẫn đường
Trong thế giới phẳng, mọi mô hình đều có thể bị thay thế. Trong thế giới số, mọi lợi thế đều có thể bị sao chép.
Nhưng có một thứ không bao giờ bị đánh cắp – đó là năng lực học tập suốt đời của người lãnh đạo.